Một vốn bốn lời khi mở tiệm nail
Nội dung:
Bạn có đam mê với nghề nail, là một thợ nail chuyên nghiệp nên muốn mở tiệm nail cho riêng mình vì đã có một số vốn trong tay. Nhưng bạn không biết nên bắt đầu từ đâu? Và kinh nghiệm mở tiệm nail thì chưa có. Bài viết này sẽ giúp bạn nắm bắt được những yêu cầu cơ bản khi mở tiệm nail cho mình.
Mở tiệm nail có lời không?
Nail là hình thức kinh doanh bỏ công nhiều hơn bỏ vốn. Thời gian đầu, vốn bỏ ra rất nhiều để một cửa tiệm nail được hoàn thành đón khách. Sau vài tháng cho đến một năm vốn của bạn mới có thể lấy lại được vì giá của các bộ nail chỉ giao động trung bình từ 30.000 cho đến 300.000 nghìn đồng. Tuy nhiên, sau đó tiền vốn bỏ ra để tiếp tục duy trì cửa tiệm không nhiều vì các dụng cụ làm nail đều được sử dụng lại, một bình sơn gel sử dụng được rất lâu nếu bạn biết cách bảo quản nó.
Tiền chi mỗi tháng của chủ cửa tiệm như: tiền thuê mặt bằng, tiền công nhân viên, tiền điện nước là chủ yếu còn tiền để mua dụng cụ nail là rất ít. Nên việc mở tiệm nail sẽ thu lại lợi nhuận nhiều hơn so với kinh doanh các mặt hàng khác.
Nhiều cửa tiệm nail lớn, chuyên nghiệp có thể nhận học viên về đào tạo miễn phí, mặc dù phải bỏ công ra dạy nhưng các bạn học viên mới có thể phụ giúp những việc đơn giản như cắt da, làm móng, sơn gel đơn giản,...giúp giảm được chi phí thuê nhân viên.
Mở tiệm nail cần những gì và bao nhiêu vốn?
1. Mặt bằng
Mặt bằng để mở tiệm nail không cần quá to nhưng phải ở gần khu đông dân cư, chợ, trường học. Có thể nằm trong hẻm chứ không nhất thiết phải ở ngoài đường lớn, nhưng không được quá khuất khó khăn cho việc tìm cửa tiệm của khách hàng.
Vì tiệm nail không cần phải có không gian quá lớn nên nhiều bạn có thể mở tại nhà của mình, đây là điều thuận lợi cho chủ tiệm nail. Còn nếu bạn phải thuê thì vốn mặt bằng cho cửa tiệm khoảng 5 - 10 triệu đồng/ 1 tháng.
2. Biển hiệu
Mỗi cửa hàng đều phải có một biển hiệu và thương hiệu cho riêng mình. Với tiệm nail, một biển hiệu lớn cùng thiết kế thẩm mỹ, màu sắc đặc sắc đi kèm tên cửa tiệm đặc biệt sẽ thu hút được nhiều khách hàng hơn.
Trên biển hiệu phải có đầy đủ các thông tin như: tên cửa hàng, logo, địa chỉ, số điện thoại, dịch vụ làm đẹp,... Chi phí cho một biển hiệu này dao động từ 6-14 triệu đồng tùy vào thiết kế, diện tích biển hiệu.
3. Card visit, bảng giá
Mỗi cửa tiệm nail đều phải có bảng giá để tạo sự tin tưởng cho khách hàng và tiện cho khách hàng theo dõi giá cả để dễ đưa ra quyết định sử dụng dịch vụ nào.
Card visit để giữ liên hệ của khách hàng với cửa tiệm bạn nếu khách hàng cần.
Giá cho bảng giá và card visit khoảng 500.000 - 1.000.000 đồng
4. Những vật dụng cần thiết phải có trong cửa tiệm nail
Khi đã chọn được địa điểm, trang trí xong cửa tiệm, việc tiếp theo là sắm sửa, lắp ráp những dụng cụ cần thiết phục vụ quá trình hoạt động của cửa tiệm nail.
Quầy lễ tân để nhận khách, thanh toán, để máy tính, máy in bill, đồ dùng văn phòng phẩm và các dụng cụ cần thiết chăm sóc khách hàng.
Giá thành cho quầy lễ tân khoảng 5-15 triệu đồng.
Camera tùy vào quy mô cửa hàng mà trang bị số lượng camera nhiều hay ít. Bất kỳ cửa hàng nào cũng đều phải bắt camera, để chủ cửa hàng theo dõi được quá trình làm việc và dễ dàng quản lý nhân viên, kiểm soát được khách hàng, tránh mất mát tiền, đồ đạc của cửa hàng và khách hàng.
Giá camera khoảng 600.000 - 1000.000 đồng 1 cái.
Máy lạnh khoảng 6 triệu một cái, tùy vào quy mô cửa hàng mà lắp số lượng máy lạnh phù hợp phục vụ cho cửa hàng.
Bộ bàn ghế sofa: một bộ bàn ghế sofa chiếm không nhiều diện tích của cửa tiệm nhưng có chỗ ngồi cho những khách đợi và người nhà của khách hàng đi cùng. Hãy chọn một chiếc ghế sofa dài, êm ái tạo cảm giác thỏa mái cho người ngồi đợi và 1 cái bàn nhỏ để trà nước phục vụ cho khách hàng.
Một bộ bàn ghế sofa khoảng 5 đến 10tr đồng.
Bộ bàn ghế làm móng tay, móng chân: Tùy vào diện tích, mô hình, sở thích, phong cách của chủ tiệm mà các bộ ghế làm móng tay, chân được thiết kế khác nhau. Thường thì sẽ có bộ bàn ghế làm móng chân và bộ bàn ghế làm móng tay riêng.
Đối với những bộ ghế dựa làm móng chân, có bồn ngâm chân , có kệ kê chân sẽ tạo cảm giác thỏa mái cho khách hàng có giá khoảng 8-15 triệu đồng/ 1 bộ bao gồm cả ghế ngồi cho nhân viên.
Bộ bàn ghế làm móng tay có giá từ 2 - 5 triệu đồng/1 bộ, đây là những bộ bàn ghế đơn giản gồm 2 ghế và 1 bàn.
Tủ đựng sơn gel, dụng cụ làm nail: tùy vào diện tích, quy mô của cửa hàng mà bạn chọn tủ đựng sơn móng, dụng cụ làm nail phù hợp và thuận tiện cho việc sử dụng. Có nhiều kiểu tủ được thiết kế phù hợp với đa cửa tiệm như: tủ đứng hình thoa, tròn, chữ nhật; tủ treo tường bằng gỗ, kính,...
Giá của tủ dao động từ 4 đến 12 triệu đồng.
Dụng cụ làm nail:
Khi đã mở tiệm nail, bạn cần đầu tư vào gel sơn chất lượng, bảng màu đẹp, đa dạng, hợp xu hướng, các phụ kiện nail. Chi phí sơn gel dao động từ 25-35 triệu đồng tùy vào độ chi của chủ cửa tiệm.
Các bộ dụng cụ làm móng từ 5-10 triệu đồng.
Máy làm nail gồm có 3 loại: máy hơ nail, máy mài và máy sấy. Chi phí cho mỗi máy từ 500.000 - 3000.000 đồng.
Các vật dụng nhỏ phục vụ cho cửa tiệm: chổi, ky rác, cây lau nhà, thảm lau chân,.... Chi phí không đáng kể khoảng 2 triệu đồng.
5. Đồng phục
Khi đã mở dịch vụ làm đẹp nên có đồng phục riêng cho cửa tiệm mình để tăng sự chuyên nghiệp. Đồng phục bao gồm tạp dề phải có sự đồng nhất về màu, logo, tên cửa tiệm,... Tùy vào số lượng nhân viên mà đặt số lượng đồng phục phù hợp.
Chi phí cho khoản này từ 2-4 triệu đồng.
6. Nhân viên
Nếu mở một tiệm nail lớn, bạn nên tuyển vài thợ lành nghề có kinh nghiệm lâu năm, thu ngân, bộ phận truyền thông, bảo vệ,... tùy vào quy mô của của tiệm.
Nếu mở một tiệm nail nhỏ, bạn nên tuyển ít nhân viên trước, khảo sát lượng khách rồi tăng số lượng nhân viên.
Tiền lương nhân viên sẽ được thỏa thuận giữa chủ và nhân viên tùy vào kinh nghiệm làm việc. Thường thì lương nhân viên làm nail, thu ngân, bảo vệ dao động từ 5-8tr đồng.
7. Trang trí cửa tiệm nail
Tiệm nail là một cửa hàng làm đẹp, khách hàng đến đây đều là những người yêu cái đẹp. Khi đến tiệm nail của bạn khách hàng sẽ cảm thấy thỏa mái, vui vẻ nếu không gian cửa tiệm bạn vừa đẹp lại vừa sạch sẽ. Vì vậy, một tiệm nail xinh xắn sẽ thu hút được nhiều khách hàng hơn.
Chi phí trang trí cho một cửa tiệm bao gồm các các vật dụng trang trí, kính áp tường, đèn led, thảm,... khoảng 15-25 triệu đồng tùy vào quy mô cửa tiệm.
Vậy là tổng chi phí để mở tiệm nail sẽ khoảng 150- 300 triệu đồng tùy vào quy mô cửa hàng. Hãy giữ lại một khoảng vốn dự trù để phòng cho những rủi ro trong quá trình hoạt động của cửa tiệm.
Chiến thuật mở tiệm nail thành công
1. Khảo sát thị trường và phân tích nhu cầu khách hàng
Khảo sát thị trường là bước quan trọng trước khi mở tiệm nail. Để có thể cạnh tranh với đối thủ bạn cần nghiên cứu thị trường, nghiên cứu khách hàng tiềm năng thật kỹ để đưa ra chiến thuật kinh doanh phù hợp.
Khảo sát giá cả các tiệm nail khu vực lân cận, các chương trình khuyến mãi,... Xác định khách hàng tiềm năng của bạn là ai? Độ tuổi? Nhu cầu của họ là gì? Khách hàng bạn muốn hướng đến thuộc đối tượng nào từ đó có mức giá phù hợp cho các bộ nail của salon mình đồng thời có những ưu đãi, chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng.
2. Đào tạo học viên
Thay vì thuê nhiều nhân viên tốn kinh phí, bạn nên thuê thợ nail lành tay số lượng vừa đủ và nhận học viên vào đào tạo để làm các công việc phụ, đơn giản còn việc chính thì để các nhân viên có tay nghề làm.
Đào tạo học viên tuy tốn thời gian nhưng sẽ giảm được kinh phí thuê nhân viên và bạn có thể nhận luôn học viên vào làm nếu thấy được tiềm năng của học viên mình.
3. Chăm sóc khách hàng
Đã làm nghề dịch vụ, bạn phải biết cách chăm sóc, làm hài lòng khách hàng. Có rất nhiều cửa tiệm nail xung quanh cửa tiệm bạn, nhưng khách sẽ đến cửa tiệm nào một phần phụ thuộc vào thái độ làm việc của nhân viên. Vì vậy, ngoài việc đào tạo cách làm nail cho nhân viên, bạn cần đào tạo thêm cách chăm sóc khách hàng về mặt tinh thần.
Đa số khách hàng đã đi làm nail một lần thì họ sẽ tiếp tục đi làm nail thường xuyên vì làm đẹp là sở thích của phụ nữ. Những câu chuyện đời thường, những chia sẻ của nhân viên với khách hàng trong lúc làm nail giúp cho họ không thấy buồn chán, mà sẽ thấy vui vẻ thỏa mái, giảm stress,... khách hàng cười càng nhiều, số lần khách quay lại sẽ tăng gấp bội lần.
Biết tiếp thu, lắng nghe những góp ý từ khách hàng để họ thấy được sự chân thành của cửa tiệm đối với họ. Chắc chắn lần sau và những lần sau nữa, họ sẽ không đến cửa tiệm bạn một mình mà sẽ có thêm bạn bè, người thân mới đi cùng.
4. Kế hoạch marketing hiệu quả
Khi kinh doanh, bắt buộc bạn phải có kế hoạch marketing hoàn hảo để cửa tiệm nail được tồn tại và phát triển.
Phát tờ rơi và lên các chương trình khuyến mãi sẽ tạo sự thu hút với khách hàng.
Chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội là giải pháp cực kỳ hiệu quả cho việc marketing lâu dài. Chạy quảng cáo google add, facebook,... giúp tăng lượt người tiếp cận được cửa tiệm của bạn, số lượng khách hàng tiềm năng tăng cao.
>> Xem thêm: Những stt quảng cáo nail hấp dẫn, thu hút khách hàng
Kết luận:
Làm giàu từ mở tiệm nail không khó chỉ là bạn chưa biết cách tạo cơ hội cho riêng mình. Hy vọng những chia sẻ của binhduongngaynay sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm trong việc mở cửa tiệm nail và có cách quản lý cửa tiệm phù hợp và hiệu quả để việc kinh doanh được thuận lợi và phát triển.
Comments